Mùa thu se lạnh, dịu dàng gõ cửa là lúc hội pháo nô nức diễn ra tại các xã Tân Hưng, Tam Đa, Tân Liên – huyện Vĩnh Bảo.
Trò chơi dân gian – pháo đất, hẳn khi nhắc tới chúng ta, những ai là đứa trẻ được lớn lên từ các vùng quê lại nhớ tuổi thơ của mình đến nao lòng. Tuổi thơ, dùng nắm đất quê hương nặn thành pháo, đập cho nó nổ vang và những tiếng cười giòn tan như tiếng pháo.
Tại một đất nước điểm xuất phát là nông nghiệp như chúng ta, cuộc sống gắn liền với đất đai ruộng đồng, nên đất không chỉ là công việc mà còn là trò chơi trong lúc nông nhàn. Cũng bởi vì những làng quê nghèo, đâu có thứ đồ chơi hiện đại, những đứa trẻ hết thế hệ này tới thế hệ khác lớn lên vẫn dạy nhau trò chơi bình dị này.
Hội pháo Vĩnh bảo, theo cổ nhân kể lại, đã diễn ra từ thế kỉ thứ nhất Sau Công Nguyên. Ở đây pháo có 2 loại là pháo tung và pháo đập úp. Người ta lấy đất từ đáy sông, sau đó phơi cho se mặt, rồi tới hôm sau sẽ luyện đất, luyện cho đất thật dẻo, thật mềm và óng như kẹo mạch nha thì đạt độ để làm pháo.
Những người tham gia làm pháo sẽ được chia thành các đội dự thi, người ta gọi là cỗ pháo. Mỗi cỗ pháo được nhận từ 25-30 kg đất, sau đó dàn đất ra khuôn làm mép pháo, làm cánh pháo, làm bụng pháo. Tất cả phải rất khéo léo và kinh nghiệm, để pháo được nổ thật to và dền van
Trong cuộc thi có một vị là ông quản pháo, người có kinh nghiệm và uy tín làm pháo trong làng. Ông quản pháo sẽ thổi còi gõ trống giục các đội làm pháo nhanh tay và chấm điểm cho các màn đập pháo.
Đến với hội pháo là đến với hội vui, vui trong không khí làm pháo khẩn trương gấp rút, vui trong tiếng reo hò của người cổ vũ, vui trong màn đập pháo và những tiếng pháo giòn tan. Chỉ nhắc thôi đã muốn quay lại tuổi thơ, muốn trở về cùng lũ bạn thi nhau làm những chiếc pháo và thi thố xem pháo ai nổ to pháo ai không nổ.
Ảnh: Internet.
No comments:
Post a Comment